;
Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân và cách điều trị

Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân và cách điều trị

Rối loạn tiền đình thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng những biến chứng của căn bệnh này có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày của bệnh nhân. 

Vậy nguyên nhân của rối loạn tiền đình là gì và có những cách điều trị như thế nào? Hãy cùng Trẻ và Khỏe tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
 
1. Rối loạn tiền đình là gì?

Hệ thống tiền đình nằm ở phía sau hai bên ốc tai, thuộc hệ thần kinh, có chức năng chính là giữ thăng bằng cho cơ thể, phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình.

Rối loạn tiền đình là tình trạng cơ thể bị mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, buồn nôn…do bộ phận dây thần kinh số 8 và các đường nối kết của nó bị tổn thương. Thêm vào đó, tình trạng thiếu máu hoặc tắc nghẽn mạch máu nuôi não cũng làm cho hệ thống tiền đình tiếp nhận thông tin chậm hoặc bị sai lệch, gây ra rối loạn tiền đình.

Có 2 dạng rối loạn tiền đình: Rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương.

2. Các triệu chứng của rối loạn tiền đình

Tùy dạng rối loạn tiền đình và mức độ nghiêm trọng mà bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau, một số triệu chứng thường thấy là:

  • Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng khi đứng lên ngồi xuống, đặc biệt là khi xoay người.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Đau đầu, nhạy cảm với ánh sáng, giảm thị lực.
  • Không thể tập trung, mau quên, hồi hộp, lo lắng quá mức.
  • Run rẩy, tê chân, tê tay.

Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân và cách điều trị

Tùy dạng rối loạn tiền đình và mức độ nghiêm trọng mà bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau.

Đối với những trường hợp nặng, bệnh nhân thậm chí không thể thực hiện được các hoạt động đơn giản hằng ngày như ăn uống, học tập, sinh hoạt.

3. Vậy nguyên nhân của rối loạn tiền đình là gì?

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh rối loạn tiền đình mà bạn cần biết:

  • Tuổi tác: Những người ở độ tuổi 40 trở lên có nguy cơ mắc rối loạn tiền đình cao hơn vì chức năng của một số cơ quan bị suy giảm.
  • Do các yếu tố di truyền hoặc thường xuyên ở trong môi trường có quá nhiều tiếng ồn, ít vận động.
  • Mất ngủ, căng thẳng, áp lực trong thời gian dài.
  • Viêm tai giữa, u não, u dây thần kinh, xuất huyết não, nhồi máu não…
  • Di chứng của tai biến, các bệnh về tim mạch, huyết áp thấp, thiếu máu…gây tắc nghẽn mạch máu, lượng máu lên não kém.

4. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh rối loạn tiền đình?

Bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh rối loạn tiền đình. Nhưng những đối tượng sau đây thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn:

  • Người lớn tuổi.
  • Người thường xuyên căng thẳng, stress.
  • Người bị mất nhiều máu: Phụ nữ sau sinh, mất máu do chấn thương, đi ngoài ra máu...
  • Người sử dụng nhiều chất kích thích.
  • Phụ nữ mang thai.

5. Rối loạn tiền đình điều trị như thế nào?

Để có thể chữa khỏi bệnh rối loạn tiền đình, tránh bệnh tái phát và gây ra những biến chứng, người bệnh nên lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và tích cực. Bệnh nhân nên nhờ sự tư vấn của các bác sĩ khi điều trị rối loạn tiền đình, không nên tự ý mua thuốc vì có thể sẽ gặp những tác dụng phụ không mong muốn.

Hãy cùng Trẻ và Khỏe xem qua một số phương pháp điều trị rối loạn tiền đình phổ biến hiện nay nhé:

5.1. Sử dụng thuốc kê toa

Tùy vào nguyên nhân và mức độ bệnh, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp.  

Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân và cách điều trị

Tùy vào nguyên nhân và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp.  

5.2. Luyện tập các bài phục hồi chức năng tiền đình.

Phương pháp này gồm các bài tập phối hợp đầu, cơ thể và mắt: Bài tập nhìn đuổi theo, bài tập nhìn theo mục tiêu, bài tập di chuyển đầu theo chiều ngang, bài tập xoay đầu vòng tròn, bài tập nhìn chăm chú khi xoay đầu, bài tập xoay vòng tròn, bài tập xoay bóng vòng tròn, bài tập bước đi xoay đầu.

Ngoài ra, còn một số phương pháp day ấn huyệt, xoa bóp giúp bệnh nhân lưu thông máu, cải thiện giấc ngủ, giảm các triệu chứng ù tai, chóng mặt, buồn nôn…

5.3. Xây dựng lối sống lành mạnh

Trong quá trình điều trị rối loạn tiền đình, bệnh nhân nên kết hợp các phương pháp điều trị trên với việc xây dựng, duy trì lối sống lành mạnh. Trong đó, người bệnh cần:

  • Ăn uống đủ chất: Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và vitamin  
  • Uống đầy đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể (1,5 – 2 lít/ngày)
  • Luyện tập thể thao thường xuyên ở mức độ phù hợp: Đi bộ, tập yoga, dưỡng sinh.
  • Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya 
  • Nên nghỉ ngơi ở không gian yên tĩnh, thoáng mát, ánh sáng dịu nhẹ.
  • Tránh căng thẳng, stress.
  • Hạn chế uống rượu, bia, hút thuốc lá.

Rối loạn tiền đình: Nguyên nhân và cách điều trị

Trong quá trình điều trị rối loạn tiền đình, bệnh nhân nên kết hợp xây dựng lối sống lành mạnh.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp người đọc hiểu được tất tần tật các thông tin về rối loạn tiền đình nhé!

Để đọc thêm nhiều thông tin hữu ích về sống khỏe và làm đẹp, cùng tham gia cộng đồng về sức khỏe NGAY TẠI ĐÂY nhé!

← Bài trước Bài sau →
This site is protected by reCAPTCHA and the Google Privacy Policy and Terms of Service apply.

Bình luận